Trong tháng 7, các DN thép chỉ sản xuất khoảng 400.000 tấn, trong khi tiêu thụ là 380.000 tấn, vì thế lượng tồn kho đã giảm thấp hơn so với tháng trước. Tuy nhiên, với con số sản xuất 400.000 tấn vẫn chưa phát huy được hết công suất thiết kế, nhưng do lượng thép tiêu thụ trong những tháng gần đây tăng không cao nên các DN vẫn tiếp tục tiết giảm sản xuất, tránh tồn kho cao.
Tháng 7 bắt đầu bước vào mùa mưa nên nhu cầu thấp, thị trường thép ít biến động, nhưng với lượng tiêu thụ không giảm cho thấy thị trường thép có tín hiệu khả quan hơn.
Đối với giá bán thép, trong thời gian này có nhiều yếu tố tác động như tăng giá điện, xăng dầu, vận tải… làm cho giá thành sản xuất tăng cao hơn. Tuy nhiên, ngành thép vẫn trong tình trạng “cung đang vượt cầu” nên giá thép bán ra tại phía Bắc vẫn giữ mức ổn định. Còn tại thị trường phía Nam, cuối tháng 7 giá bán thép bình quân khoảng 1.300 ngàn đồng/tấn, chưa bao gồm thuế VAT, giá bán này tăng cao hơn phía Bắc khoảng 100.000 đồng đến 150 ngàn đồng/tấn thép.
Ông Sưa lo ngại, từ nay đến cuối năm 2014 thị trường thép tiêu thụ có thể sụt giảm, nguyên nhân do bước sang tháng 8, tức tháng 7 âm lịch còn gọi là tháng “cô hồn” nên tâm lý người Việt không muốn khởi công những công trình, hơn nữa đây cũng là tháng mưa bão nhiều. Tuy nhiên, sau tháng 8 lại bắt đầu bước vào mùa khô, là mùa xây dựng nên nhiều khả năng lượng thép tiêu thụ sẽ khá hơn so với những tháng trước đó.
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo,tiêu thụ thép xây dựng 6 tháng cuối năm chỉ tương đương so với 6 tháng đầu năm 2014. Như vậy, tính chung cả năm 2014 ngành thép có thể tăng trưởng khoảng 10%, trong đó thép xây dựng chỉ tăng khoảng từ 3% tới 5%. Đặc biệt, dẫn đầu thị trường thép và tôn mạ màu hay ống thép vẫn là thép Hòa Phát, tôn Hoa Sen.