BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA VUA THÉP ANDREW CARNEGIE

Thứ sáu, 17/04/2015, 14:04 GMT+7

BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA VUA THÉP ANDREW CARNEGIE

Andrew Carnegie được mệnh danh là ông “vua ngành thép”. Điều lạ là ông chẳng biết chút gì về việc sản xuất thép. Hàng ngàn người làm việc cho ông có kiến thức về thép hơn ông rất nhiều. Bí quyết nào đã đưa ông đến “ngôi vương” của ngành này?

Không chỉ nổi tiếng về độ giàu có, Carnegie còn được biết đến với tư cách là một tỷ phú giàu lòng bác ái, từng đóng góp tới 90% tài sản cá nhân tương đương với gần 350,7 triệu USD làm từ thiện.

Năm 2007, ông từng được tạp chí Fortune bình chọn là người giàu thứ 6 trong lịch sử Mỹ.

Andrew Carnegie chào đời trong một ngôi nhà nhỏ ở Dunfermline, Scotland vào ngày 25/11/1835.
Nhiều thế hệ nhà Carnegie nổi tiếng với nghề dệt vải bằng khung cửi, nhưng cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến việc kinh doanh của họ bị đổ vỡ.
Gia đình Andrew Carnegie trở nên nghèo khó tới mức hàng ngày họ phải đi ngủ sớm để "quên đi cái đói khủng khiếp đang hành hạ". Năm 1848, gia đình ông rời quê hương sang Mỹ – miền đất hứa của rất nhiều người lao động nghèo châu Âu thời ấy. Và khi thấy người cha phải đi xin xỏ việc làm, Carnegie đã thấy trong tim mình một sự thôi thúc.
Năm 12 tuổi, gia đình Carnegie đã chuyển tới thành phố Pittsburgh, nơi hai người dì của ông đang sinh sống. Cả nhà họ phải ngủ chung với nhau trong một căn phòng.
Lên 13 tuổi, ông bắt đầu làm việc cho một nhà máy dệt. Công việc của ông là vận hành một động cơ hơi nước nhỏ và đốt nóng một cái nồi hơi trong hầm chứa của nhà máy sản xuất cuộn chỉ. Và đêm nào, ông cũng gặp ác mộng nồi hơi của nhà máy bị phát nổ.
Năm 1849, ông chuyển sang làm chân giao điện tín. Chính công việc này giúp ông biết và ghi nhớ được tên của hầu như tất cả doanh nghiệp và những nhân vật quan trọng trong vùng.
Năm 17 tuổi, Carnegie vào làm ở hãng đường sắt Pennsylvania với vai trò trợ lý và là nhân viên điện báo cho Thomas Scott, một trong các quan chức hàng đầu của ngành đường sắt. Công việc này giúp ông tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về công nghiệp đường sắt và kinh doanh nói chung. Lương của ông khi đó là 35 USD/tháng.
3 năm sau, Carnegie được thăng chức làm người giám sát. Khi làm việc ở đây, Carnegie cũng bắt đầu đầu tư. Khoản đầu tư đầu tiên của ông là số cổ phiếu trị giá đến 600 USD của một công ty đường sắt. Chỉ ít lâu sau, ông đã bán lại số cổ phiếu này và thu được hàng chục nghìn USD. Bên cạnh ngành đường sắt, ông cũng đầu tư vào công nghiệp khai thác dầu mỏ và thu được nhiều khoản hời lớn.
Năm 1865, ông rời công ty đường sắt và chuyển tới New York để theo đuổi những sở thích kinh doanh riêng. Tại đây, ông cùng mẹ đã thuê một phòng ở khách sạn St Nicholas.
Trong 10 năm kế tiếp, Carnegie dành hầu hết thời gian cho ngành thép. Công việc của ông tại Công ty Thép Carnegie đã mở ra thời kỳ cách mạng hóa hoạt động sản xuất thép ở Hoa Kỳ.
Trong 10 năm kế tiếp, Carnegie dành hầu hết thời gian cho ngành thép. Công việc của ông tại Công ty Thép Carnegie đã mở ra thời kỳ cách mạng hóa hoạt động sản xuất thép ở Hoa Kỳ.
Năm 1897, Carnegie trở lại Scotland và bỏ tiền mua tòa lâu đài Skibo. Ông gọi khu bất động sản này "thiên đường trên trái đất".
Năm 1900, Công ty Thép Carnegie đã sản xuất ra lượng thép nhiều hơn cả nước Anh.
Năm 1901, Carnegie đã thay đổi cuộc đời mình khi bán công ty cho United States Steel Corporation, thuộc sở hữu của huyền thoại tài chính J. P. Morgan. Thương vụ này mang về cho ông 480 triệu USD (tương đương 309,2 tỷ USD ở thời điểm hiện nay).
Ở tuổi 65, ông quyết định dùng hết thời gian còn lại để giúp đỡ người khác. Ông bắt đầu xây dựng thư viện, trường học và đóng góp từ thiện. Ông đã đóng góp khoảng 5 triệu USD cho Thư viện Công cộng New York, giúp thư viện này mở thêm một số chi nhánh năm 1901.
Andrew Carnegie từng nói với nhiều người, những tri thức và hiểu biết của ông đều do tự học và tự đọc qua sách mà có cả. Ông đã tài trợ cho gần 3.000 thư viện, công viên, giáo dục, nghệ thuật... Ứớc tính ông đã đóng góp 60 triệu USD cho các thư viện, 78 triệu USD cho giáo dục, tặng các giáo đường 7.000 đàn piano… Tỷ phú Carnegie đã qua đời ngày 11/8/1919.

“Vua dầu hỏa” John Rockefeller là người giàu nhất trong những người giàu nhất, (với khối tài sản tương đương 663 tỷ USD vào năm 2007 theo cách tính của Forbes) là người sẵn sàng dốc hết hầu bao chỉ để mua cách đối nhân xử thế, nếu như nó được bán.

Theo Rockefeller, nếu biết cách xây dựng các mối quan hệ, bạn đã đặt một chân vào ngưỡng cửa thành đạt. Đó là một bài học quan trọng mà Andrew Carnegie đã sớm nắm bắt được ngay từ khi còn nhỏ.

Vì gia cảnh khó khăn nên Andrew Carnegie không được học đến nơi đến chốn. Ông chỉ ngồi trên ghế nhà trường được bốn năm, và bắt đầu kiếm tiền từ khi lên bảy.

Trong khi phải kiếm tiền, Andrew Carnegie vẫn luôn dành thời gian cho việc tự học. Ông rất thích đọc sách và chính điều này là khởi nguồn cho tài đối nhân xử thế của ông.

Tố chất lãnh đạo và nghệ thuật tổ chức của Carnegie đã được bộc lộ từ khá sớm. Đó là khi ông vẫn còn là một cậu bé, sống ở Scotland. Khi đó, ông có nuôi một cặp thỏ. Chẳng lâu sau ông có cả đám thỏ con. Nhưng khó khăn lúc đó là ông chẳng có gì để nuôi chúng cả.

Một ngày, ông nảy ra một sáng kiến. Ông bảo đám bạn trong vùng rằng nếu chúng kiếm được đủ cỏ ba lá và bồ công anh để nuôi bọn thỏ, ông sẽ lấy tên của chúng để đặt tên cho từng chú thỏ con. Kế hoạch ấy thành công như một phép lạ và Carnegie không bao giờ quên điều này.

Nhiều năm sau, ông kiếm được hàng triệu đô la cũng bằng cách ứng dụng tâm lý này trong kinh doanh. Chẳng hạn, khi Andrew Carnegie muốn cung cấp đường ray bằng thép cho Công ty đường sắt Pennsylvania mà Edgar Thomson là chủ tịch lúc đó, ông đã dựng lên một nhà máy thép ở Pittsburgh và đặt tên là “Nhà máy thép Edgar Thomson”.

Thế là khi Công ty Pennsylvania phát đi nhu cầu về vật liệu, vượt qua rất nhiều đối thủ khác, Carnegie đã giành được hợp đồng cung cấp lượng thép khổng lồ cho Thomson.

Sau này khi có điều kiện quay trở lại trường học, Carnegie đã chọn ngành học về bản tính con người. Ông từng nói rằng mình không hiểu cơ chế một chiếc máy chạy bằng hơi nước, nhưng ông sẽ cố gắng tìm hiểu một cơ chế phức tạp hơn nhiều, đó chính là con người.

Ngoài khả năng lãnh đạo và cách đối nhân xử thế xuất sắc, Carnegie còn là một người bác ái và hảo tâm. Ông đã đóng góp tất cả gia tài của mình cho cộng đồng, giúp nhiều nhân viên của mình trở nên giàu có. Ông đã trả cho một giám đốc dưới quyền là Charles Schwab mức lương 1 triệu đô la mỗi năm. Charles Schwab là vị giám đốc đầu tiên của nước Mỹ được trả công cao như vậy.

Carnegie cho biết, số tiền này, ông không phải trả cho kiến thức của Schwab, mà trả cho khả năng đối nhân xử thế tuyệt vời của Schwab với nhân viên.

 




Copyright © 2014