Thép Nga và Trung Quốc đang tấn công thị trường Việt Nam

Thứ bảy, 14/06/2014, 08:14 GMT+7

Những hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nhất là Trung Quốc và Nga đang khiến ngành thép trong nước hoang mang “cầu cứu” khắp nơi với điệp khúc “phá sản”, “đóng cửa”.

 

Thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam

Trong thời kì hội nhập hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia kí kết các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Khi tham gia Hiệp định, các quốc gia sẽ có những cam kết về lộ trình giảm thuế nhập khẩu, tiến tới xóa bỏ gần như toàn bộ hàng rào thuế quan.

Một trong những thỏa thuận mà Việt Nam đã tham gia kí kết và thực hiện là Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (ACFTA).

Trong báo cáo đánh giá tác động của ACFTA dài 12 trang gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đầu tháng 8-2014, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã phân tích rất kĩ “mối nguy” này.

Bởi lẽ, theo số liệu của năm 2013, Trung Quốc là nước chiếm gần một nửa sản lượng thép trên thế giới. Trung Quốc cũng chính là nước xuất khẩu mặt hàng thép sang các nước nhiều nhất.

Ngành thép Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2013, thị trường thép nhập siêu hơn 5,6 tỉ USD, tương đương với mức năm 2012.

“Thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào khiến doanh nghiệp phải giảm sản lượng, sản xuất cầm chừng, một vài doanh nghiệp đóng cửa, nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất 40-50% công suất, làm tăng chi phí cố định trên mỗi tấn sản phẩm” – Hiệp hội thép lo ngại.

Chẳng hạn mặt hàng ống thép xuất xứ Trung Quốc đã tìm nhiều cách để có thể xâm nhập thị trường Việt Nam-một thị trường mà các nhà máy sản xuất trong nước vẫn chưa được hoạt động hết công suất.

“Vào ngày 1-1-2015, thuế nhập khẩu mặt hàng này giảm từ mức 5% hiện tại xuống mức 0%. Đây thực sự là một sức ép lớn đặt lên vai những nhà sản xuất ống thép Việt Nam” – Hiệp hội thép đánh giá.

Ngành sản xuất phôi thép và thép xây dựng cũng trong tình trạng tương tự trước cột mốc 2015.

Kiến nghị được bảo hộ

Không chỉ sức ép từ thép Trung Quốc, “người khổng lồ” thép Nga cũng khiến ngành thép Việt “nghĩ tới mà run”.

Trong khi các bộ, ngành đang xây dựng phương án thuế nhập khẩu mặt hàng thép nói riêng và các mặt hàng khác của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUTFA), thì ngành thép mới đây cũng kịp bày tỏ sự quan ngại sâu sắc.

Hiệp hội thép cảnh báo: “Ngành công nghiệp thép Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng sẽ phải chịu một sự cạnh tranh cực kì khủng khiếp với người khổng lồ trong ngành công nghiệp thép thế giới là nước Nga, thậm chí sự cạnh tranh còn lớn hơn rất nhiều so với nước láng giếng Trung Quốc”.

“Các doanh nghiệp ngành công nghiệp thép Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản khi các mặt hàng sắt thép của Nga được hưởng thuế suất 0% hàng loạt khi Hiệp định này được kí kết” – theo Hiệp hội thép Việt Nam.

Hiện tại, theo số liệu được VSA dẫn chứng, tổng số thuế nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất thép trong năm 2013 khoảng 4.000 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2014 khoảng gần 2.000 tỉ đồng.

“Con số này có thể không tăng trưởng hoặc giảm sút phụ thuộc rất lớn từ số lượng nhập khẩu thép vào Việt Nam với số lượng lớn cũng như chính sách bảo hộ của nhà nước đối với các mặt hàng này” – VSA cho biết.

Vì thế trong số hàng loạt kiến nghị đến các Bộ ngành, VSA kiến nghị các cơ quan Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại như xem xét điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép chân chính.

Đồng thời, Hiệp hội thép cũng đề nghị xem xét đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất thép trong nước.




Copyright © 2014