Vấn nạn tôn thép giá trên thị trường!
Việc gian lận thương mại gây thất thu cho ngân sách, những mặt hàng này còn ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân.
Tôn
thép giả, nhái và gian lận thương mại về tôn thép đang là vấn nạn gây ra nhiều hệ lụy cho nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Số liệu của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho thấy, cả nước hiện có 146 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng tôn các loại về Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc và dự kiến năm 2014 sẽ nhập khoảng 700.000 tấn.
“Các mặt hàng tôn
thép bị phát hiện sai phạm chủ yếu là khai báo sai về tên hàng, mã số HS để gian lận thuế, trốn thuế… Do thuế suất giữa các mặt hàng tôn chênh lệch nhau khá lớn, cho nên cùng một loại tôn nhưng việc khai báo tên hàng khi nhập khẩu khác nhau sẽ dẫn đến việc áp thuế khác nhau”, ông Trần Việt Hưng, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết.
Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), thép giả không dễ phân biệt với thép thật nhưng về chất lượng, khi đưa vào sử dụng thép giả dẫn đến hậu quả khó lường. Đây là những loại sắt thép gia công dùng phôi đúc sẵn, nguyên liệu từ sắt thép phế liệu mà ra, khả năng chịu lực kém gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình.
“Nhiều chủ cửa hàng lợi dụng sự dễ tính và thiếu hiểu biết của khách hàng đã trà trộn hàng giả với hàng thật. Tình trạng tôn, thép bị làm giả, làm nhái tương đối phổ biến nhưng kết quả thanh tra, xử lý chưa tương xứng với thực tế diễn ra. Vì đa phần hàng giả, hàng nhái không bày bán tại các cửa hàng mà được cất giấu ở những kho riêng nên việc kiểm tra, xử lý chỉ phát hiện được sự gian lận về giá cả, niêm yết giá”, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chia sẻ.
Nhiều loại tôn giả đang tràn ngập thị trường móc túi người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: KT)Đại diện Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng lên tiếng cảnh báo, do nhu cầu đối với mặt hàng tôn, thép tăng cao đã tạo hội cho những hành vi trục lợi từ những thủ đoạn gian lận đánh vào mặt yếu của người tiêu dùng. Nhiều lô thép cây sản xuất từ làng nghề thủ công, nhưng lại mang nhãn thép Thái Nguyên đã bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Điều gì sẽ xảy ra cho tuổi thọ và sự an toàn của công trình xây dựng sau hàng chục năm sử dụng khi các sàn, dầm, cột bê tông chịu lực được làm từ các loại thép kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn. Chi cục Quản lý thị trường Hà nội đã từng kiểm tra phát hiện một công ty sản xuất cọc bê tông cốt thép đúc sẵn để đóng móng nhưng sản phẩm làm ra không đủ kết cấu thép lõi theo thiết kế”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Mặc dù thực tế tình trạng gian lận chất lượng tôn, sắt thép những năm qua là đáng báo động, song trong công tác kiểm tra, xử lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng này chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, hệ thống chuẩn trong đo lường chất lượng thép đã có từ lâu, nhưng hiện nay nước ta vẫn chưa có đủ công nghệ, thiết bị để kiểm tra chất lượng của loại sản phẩm này. Mặc dù thị trường sắt thép có nhiều cơ quan quản lý, nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng của hàng triệu tấn thép tung ra thị trường hàng năm.
Để ngăn chặn xử lý các vi phạm gian lận thương mại đối với chất lượng thép xây dựng, đại diện Cục Quản lý Thị trường cho biết, ngay trong quý IV/2014, Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đang xây dựng “Phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng sắt thép xây dựng”.
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2015, lực lượng chức năng sẽ tiến hành đợt tổng kiểm tra để rút kinh nghiệm. Thông qua kiểm tra để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc kinh doanh mặt hàng sắt thép. Đồng thời, Cục Quản lý thị trường đã, đang và sẽ chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường toàn quốc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh tôn, thép xây dựng.
“Cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôn, thép xây dựng với các cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp cần cung cấp cho cơ quan chức năng dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp, tiêu chuẩn kỹ thuật của doanh nghiệp áp dụng, quy cách kỹ thuật của sản phẩm. Các dấu hiệu này tạo điều kiện thuận lợi cho Quản lý thị trường trong việc kiểm tra, xử lý và phát hiện vi phạm”. ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chỉ rõ.
Để giải quyết vấn nạn tôn thép giả, nhái và gian lận thương mại, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng: Hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam phải ghi đầy đủ các yếu tố bắt buộc như xuất xứ, nhãn hiệu để đảm bảo kiểm soát có hiệu quả nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định bộ tiêu chuẩn về chất lượng thép nhập khẩu đảm bảo sát với yêu cầu thực tế, tránh làm kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dung để gian lận. Đưa mặt hàng tôn thép vào danh mục hàng hóa trọng điểm phải kiểm soát về giá và chất lượng, giả mạo về sở hữu trí tuệ. Đặc biệt kiểm soát về sở hữu trí tuệ đối với mặt hàng này khi giả mạo các nhãn hiệu tôn của các công ty ở Việt Nam